Ho khan là triệu chứng ho không có đờm. Ho khan nếu kéo dài hoặc liên tục gây đau rát họng, đau đầu, mệt mỏi. Một số trường hợp ho khan tăng nhiều về đêm gây mất ngủ, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Bài viết này chia sẻ một số nguyên tắc điều trị ho khan và ví dụ về một đơn thuốc điều trị ho khan hiệu quả và phổ biến.
Triệu chứng ho khan có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc |
1. Nguyên tắc điều trị ho khan
Sử dụng các nhóm thuốc điều trị triệu chứng ho
Thuốc điều trị triệu chứng ho hiện nay khá phong phú, có nhiều loại nhưng có thể xếp vào 3 nhóm chính như sau: Thuốc giảm ho trung ương, thuốc giảm ho ngoại biên và thuốc kháng histamin H1
- Thuốc giảm ho trung ương: Đây là các thuốc có tác dụng giảm ho nhanh và mạnh do cơ chế ức chế trung tâm ho ở thần kinh trung ương gây giảm hoặc mất phản xạ ho. Các thuốc phổ biến trong nhóm này là Dextromethorphan và Codein.
- Thuốc giảm ho ngoại biên: Có tác dụng làm dịu niêm mạc đường hô hấp, làm giảm tính nhạy cảm của niêm mạc đường hô hấp đối với các yếu tố kích thích. Các thuốc trong nhóm này có thể kể tới các tinh dầu dược liệu (tràm, tinh dầu tần, tinh dầu bạc hà,…), siro chanh mật ong,….
- Thuốc kháng histamin H1: Thuốc kháng histamin H1 có tác dụng chống dị ứng, an thần và giảm ho. Các thuốc kháng histamin H1 hay dùng là Chlopheniramin, Fexofenadin (Telfast), Alimemazin (Theralen). Các thuốc này rất hiệu quả trong trường hợp ho dị ứng.
Kết hợp điều trị triệu chứng với điều trị nguyên nhân
Nhiều trường hợp ho khan dai dẳng. Nếu chỉ điều trị triệu chứng thì sẽ không điều trị dứt điểm tình trạng ho dai dẳng được. Vì thế cần phải kết hợp giữa điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân. Một số nguyên nhân phổ biến gây ho dai dẳng:
- Viêm xoang, viêm mũi dị ứng: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ho dai dẳng. Ho do viêm mũi xoang ban đầu thường là ho khan, về sau chuyển sang ho có đờm nếu như không được điều trị kịp thời và hiệu quả.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày, thực quản khiến acid dịch vị trào ngược lên đường hô hấp gây kích ứng, viêm đường hô hấp gây ho khan. Đây là bệnh lý đường tiêu hóa nhưng lại là nguyên nhân phổ biến gây ho khan kéo dài.
- Dùng thuốc huyết áp ức chế men chuyển: Các thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm ức chế men chuyển có tác dụng phụ gây ho. Nếu như không hỏi kỹ bệnh nhân về tiền sử dùng thuốc thì nguyên nhân gây ho khan này rất dễ bị bỏ qua. Các thuốc huyết áp nhóm ức chế men chuyển thường dùng có thể kể tới Captopril, Perindopril (Coversyl), Enalapril (Enyd).
Ho khan không cần điều trị kháng sinh
Nguyên nhân ho khan thường không phải do vi khuẩn. Vì thế, trong đa số trường hợp bệnh nhân ho khan không cần điều trị bằng kháng sinh.
2. Đơn thuốc điều trị ho khan
Điều trị triệu chứng ho khan thông thường có thể phối hợp cả 3 nhóm thuốc điều trị triệu chứng ho để phát huy hiệu quả tốt. Như vậy, 1 đơn thuốc điều trị triệu chứng ho khan thông thường có 1 thuốc ho trung ương, 1 thuốc ho ngoại biên và 1 thuốc kháng histamin H1. Ví dụ 1 đơn thuốc điều trị triệu chứng ho khan cho người lớn:
- Dextromethophan 20 mg x 20 viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên.
- Alimemazin (Theralen) 5mg x 20 viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên
- Siro ho dược liệu (Eugica, siro quất- mật ong,…) uống theo hướng dẫn sử dụng.
Bên cạnh điều trị triệu chứng, cần phối hợp điều trị nguyên nhân. Ví dụ điều trị viêm mũi xoang; điều trị trào ngược dạ dày, thực quản (dùng thuốc ức chế bơm proton, thuốc điều hòa nhu động tiêu hóa- Motilium- M ); thay thế thuốc huyết áp nhóm ức chế men chuyển bằng thuốc khác,….
Trên đây là một số kinh nghiệm điều trị ho khan của nhóm bác sỹ Tai- mũi- họng tư vấn cho website Thông tin thuốc. Đơn thuốc trị ho khan trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không áp dụng được cho tất cả các trường hợp ho khan.