Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore- những điều cần biết

Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore đang quay trở lại sau rất nhiều năm “yên ắng” tại Việt Nam. Chỉ trong tháng 8/2019 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 12 ca nhiễm bệnh trong số đó có 4 ca đã tử vong. Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore nguy hiểm như thế nào, có thể điều trị và phòng tránh được không? Blog Thông tin thuốc xin chia sẻ một vài thông tin về loại vi khuẩn này để bạn đọc được biết.
Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore gây bệnh melioidosis
Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore gây bệnh melioidosis

1. Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore là gì?

Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore là cách gọi thông thường của một loại vi khuẩn có tên khoa học Bukholderia pseudomallei. Nó gây bệnh melioidosis. Người nhiễm bệnh có nhiều triệu chứng trong đó có triệu chứng loét, hoại tử da, mô mềm lan rộng vì thế loại vi khuẩn này thường được gọi là vi khuẩn ăn thịt người. Nhà khoa học Whitmore phát hiện ra căn bệnh này vì thế tên của ông cũng được dùng để đặt tên cho con vi khuẩn gây ra bệnh.

2. Triệu chứng bệnh gây ra bởi vi khuẩn ăn thịt người Whitmore

Triệu chứng gây ám ảnh nhất do Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore là loét, hoại tử da, mô mềm lan rộng (giống như bị vi khuẩn ăn dần). Tuy nhiên triệu chứng sớm phổ biến nhất của bệnh melioidosis là viêm đường hô hấp ở nhiều mức độ. Tiếp theo là nhiễm trùng huyết và, hoặc nhiễm trùng cục bộ.
Triệu chứng ban đầu của bệnh gây ra bởi vi khuẩn ăn thịt người Whitmore nhìn chung không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, đặc biệt là bệnh lao. Vì thế loại vi khuẩn này còn được mệnh danh là kẻ bắt chước siêu hạng. 

3. Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Whitmore

Như đã nói ở trên, việc chẩn đoán dựa trên lâm sàng là không có nhiều giá trị do không có triệu chứng điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán là nuôi cấy vi khuẩn Bukholderia pseudomallei. Người ta sẽ lấy mẫu máu, đờm, mủ, nước tiểu,…để nuôi cấy trong môi trường thích hợp từ đó phát hiện xem có vi khuẩn ăn thịt người Whitmore trong đó hay không.

4. Điều trị vi khuẩn ăn thịt người Whitmore

Nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Whitmore điều trị được nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm và chính xác. Hiện nay phác đồ điều trị vi khuẩn ăn thịt người Whitmore là dùng kháng sinh. Trong đó khởi đầu dùng kháng sinh đường tiêm khoảng 2 tuần (Ceftazidime hoặc Meropenem) sau đó chuyển sang kháng sinh đường uống duy trì 3-6 tháng (Doxycycline hoặc Bisepton).

5. Phòng lây nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Whitmore

Nguồn lây nhiễm Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore từ đất và nước có vi khuẩn. Trên thế giới, loại vi khuẩn này phổ biến ở Đông Nam Á, Bắc châu Úc và một số vùng khí hậu nhiệt đới khác. Những người làm công việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất đai và nước bẩn như nông dân, bộ đội, trồng rừng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Để phòng lây nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Whitmore cần lưu ý một số nguyên tắc sau:
  • Đeo găng tay, mang ủng khi làm việc tiếp xúc trực tiếp với đất, nguồn nước ngoài tự nhiên
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước bẩn nếu có vết thươn ngoài da hoặc đang mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, thận, phổi mãn tính.
  • Chỉ uống sữa khi chắc chắn nó đã được tiệt trùng
  • Cán bộ y tế sử dụng bảo hộ đúng quy định

Viết một bình luận

Thuốc tốt

Trang tin cung cấp thông tin, tư vấn các loại thuốc