Ho là một phản xạ của cơ thể, nhằm tống các dị vật ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên ho quá nhiều, ho thành tràng dài thường gây đau rát họng, mệt mỏi, mất ngủ, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Đối với bà bầu (phụ nữ đang mang thai), ho còn gây co bóp tử cung ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên việc dùng thuốc ho ở bà bầu cần thận trọng bởi vì phụ nữ đang mang thai có những đặc điểm sinh lý riêng và việc dùng thuốc có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Bài viết này chia sẻ một vài gợi ý để trả lời cho câu hỏi: Bà bầu bị ho, uống thuốc gì?
Bà bầu bị ho, dùng thuốc gì hiệu quả và an toàn? |
Ho có rất nhiều nguyên nhân, có thể do hít phải dị vật, có thể do nhiễm vi rút, nhiễm khuẩn, có thể do trào ngược dạ dày, thực quản, có thể do dị ứng,….Vì thế, để có thể điều trị hiệu quả thì cần xác định đúng nguyên nhân gây ho để dùng thuốc trúng, hạn chế việc sử dụng nhiều loại thuốc theo kiểu “bao vây”.
Thuốc chữa ho cho bà bầu
Thuốc chữa ho cho bà bầu cơ bản cũng gồm có 3 loại: Thuốc giảm ho trung ương, thuốc kháng histamin H1 và thuốc giảm ho có tác dụng tại chỗ.
Thuốc giảm ho trung ương
Đối với bà bầu, thuốc giảm ho trung ương có thể sử dụng được là Dextromethorphan. Dextromethorphan có tác dụng ức chế trung tâm ho ở hành não và được cho là an toàn đối với phụ nữ đang mang thai và thai nhi. Liều dùng của thuốc ho Dextromethorphan đối với bà bầu là 30 mg/ lần x 3 lần/ ngày.
Còn đối với một thuốc giảm ho trung ương phổ biến khác là Codein thì chống chỉ định đối với phụ nữ đang mang thai. Bà bầu không được sử dụng codein và các chế phẩm có chứa codein trong thời gian mang thai.
Thuốc kháng histamin H1
Thuốc kháng histamin H1 có tác dụng chống dị ứng và giảm ho. Đây là nhóm thuốc được cho là an toàn với bà bầu, đặc biệt hiệu quả đối với trường hợp ho dị ứng và ho về đêm do có tác dụng an thần nhẹ.
Một số thuốc kháng histamin H1 có tác dụng giảm ho mà bà bầu có thể uống được là Clopheniramin 4, loratadin, fexofenadin
Thuốc giảm ho có tác dụng tại chỗ
Thuốc giảm ho có tác dụng tại chỗ đa phần có dạng bào chế viên ngậm hoặc siro. Chúng có tác dụng sát khuẩn, làm dịu niêm mạc đường hô hấp do đó có tác dụng giảm ho. Mật ong, ô mai có thể hữu ích cho bà bầu để giảm ho theo cơ chế này.
Ho do nhiễm khuẩn
Bà bầu khi bị ho và có xuất hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp như: xuất hiện đờm đục, có màu, đau rát cổ họng, sốt,… thì ngoài thuốc giảm ho cần uống thêm kháng sinh.
Các kháng sinh được cho là an toàn đối với bà bầu và thai nhi là kháng sinh nhóm Beta lactam ( Amoxicillin và phân nhóm Cephalosporin), kháng sinh nhóm Macrolid (Erythromycin, Azithromycin,…)
Các kháng sinh chống chỉ định đối với bà bầu là kháng sinh nhóm phenicol (chloramphenicol), Tetracyclin, Aminosid, quinolon.
Ho do trào ngược dạ dày, thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng khá phổ biến ở bà bầu bởi vì sự chèn ép của túi thai lên dạ dày. Trường hợp xác định ho do trào ngược dạ dày, thực quản thì cần uống thuốc điều hòa nhu động đường tiêu hóa kết hợp với thuốc ức chế bơm proton.
Thuốc ức chế bơm proton phổ biến có Omeprazol, Esomeprazol. Thuốc điều hòa nhu động đường tiêu hóa có Domperidone (Motilium M)
Thời gian qua có nhiều bạn đọc nhắn tin hỏi “bà bầu bị ho dùng thuốc gì” qua fanpage Thông tin thuốc 360. Vì thế ban biên tập viết bài này như là một gợi ý để trả lời cho câu hỏi trên. Thực tế việc sử dụng thuốc nói chung và thuốc ho nói riêng cho bà bầu là không dễ, đòi hỏi phải thận trọng. Vì thế, trong trường hợp bà bầu bị ho, tốt nhất nên đến bác sỹ để được tư vấn và điều trị.