Top 4 nhóm thuốc phổ biến gây tăng huyết áp

Tăng huyết áp là triệu chứng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, một trong số đó là gây đột quỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Nguyên nhân tăng huyết áp có thể do tuổi tác, do cân nặng, do chế độ ăn uống, sinh hoạt,….Thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp. 
Tăng huyết áp có thể do nguyên nhân dùng thuốc
Tăng huyết áp có thể do nguyên nhân dùng thuốc

1. Nhóm thuốc chống viêm Steroid

Thuốc chống viêm Steroid (Gluco corticoid) là nhóm thuốc hormon (vỏ thượng thận) có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Thuốc chống viêm Steroid đóng vai trò hết sức quan trọng trong điều trị một số bệnh lý như các bệnh tự miễn, suy thượng thận hay các bệnh lý dị ứng. Tuy nhiên việc sử dụng các thuốc chống viêm Steroid cần phải thận trọng, tuân thủ đúng nguyên tắc sử dụng Corticoid vì nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt nguy hiểm khi dùng kéo dài. Tăng huyết áp là một trong số những tác dụng không mong muốn của thuốc chống viêm Steroid.
Thuốc chống viêm Steroid gây rối loạn chuyển hóa muối, nước. Nó làm tăng tái hấp thu muối Na+ và nước tại ống thận, dễ gây phù và tăng huyết áp.
Các thuốc chống viêm Steroid sử dụng đường uống phổ biến hiện nay có thể kể tới: Methylprednisolon (Medrol), Prednisolon, Dexamethason,….

2. Thuốc chống viêm Non Steroid (Nsaids)

Lưu lượng máu ở thận và sự bài tiết muối Na+, nước qua nước tiểu được đảm bảo bởi các prostaglandin (PG). Các PG được sinh ra do xúc tác của enzym Cylooxygenase (COX). Các thuốc chống viêm NSaids ức chế COX do đó gây ứ muối và nước dẫn tới tăng huyết áp.
Các thuốc chống viêm Nsaids phổ biến hiện nay có thể kể tới: Meloxicam (Mobic), Celecoxib, Diclofenac (Voltaren), Ibuprofen, Aspirin,….

3. Các thuốc giống giao cảm

Các thuốc giống giao cảm hiện nay được sử dụng rất phổ biến để điều trị các triệu chứng viêm mũi dị ứng, cảm cúm. Các thuốc này có thể dùng điều trị tại chỗ (nhỏ mũi, xịt mũi) hoặc dùng đường uống (thường ở dạng phối hợp với các thuốc khác).
Các thuốc giống giao cảm có tác dụng chống ngạt mũi, xung huyết mũi dựa trên cơ chế gây co mạch. Chính vì thế mà chúng có tác dụng phụ gây tăng huyết áp. Đa số các thuốc cảm cúm chứa hoạt chất giống giao cảm hiện nay có chống chỉ định với người bệnh tăng huyết áp.
Các thuốc giống giao cảm phổ biến hiện nay có Ephedrin, phenylephrin, phenyl pronolamin hay pseudoephedrin.

4. Thuốc tránh thai đường uống

Có một tỷ lệ nhỏ (khoảng 1%) bị tăng huyết áp do dùng thuốc tránh thai hỗn hợp đường uống (Estrogen + progesteron). Cơ chế gây tăng huyết áp ở những thuốc này hiện chưa được làm rõ nhưng có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy mối liên quan giữa tăng huyết áp và nhóm thuốc này.
Trên đây là top 4 nhóm thuốc gây tăng huyết áp phổ biến nhất. Việc tìm hiểu thông tin về các thuốc gây tăng huyết áp có ý nghĩa quan trọng trong việc tư vấn và sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn. Trong thực tế, do không nắm vững thông tin mà nhiều người bệnh tăng huyết áp gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sau khi dùng thuốc.

Viết một bình luận

Thuốc tốt

Trang tin cung cấp thông tin, tư vấn các loại thuốc